Dòng tiền thông minh (23/5): Tự doanh và khối ngoại ‘gom’ tiếp cổ phiếu, chưa tìm được nhóm dẫn dắt VN-Index
Chuyển động dòng tiền thông minh ngày 23/5, khối tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng. Thị trường không tìm được cổ phiếu có sức mạnh dẫn dắt chỉ số phiên hôm qua, lực cầu đuối về cuối phiên khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ.
Dòng tiền thông minh tìm đến đâu trong phiên thị trường điều chỉnh
Thị trường chứng khoán quay đầu giảm điểm trong phiên chiều. Kết phiên, VN-Index mất 2,51 điểm (0,25%) xuống 983,78 điểm; HNX-Index giảm 0,15% còn 106,13 điểm; UPCoM-Index tăng nhẹ lên 55,39 điểm.
Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số, VNM và MSN kéo VN-Index mất 1,18 điểm. Tương tự, GAS giao dịch kém khởi sắc, cổ phiếu ngân hàng có VCB và TCB chìm trong sắc đỏ khiến thị trường mở rộng đà giảm điểm.
Nhóm ngân hàng phân hoá, các mã CTG, MBB và BID giao dịch khởi sắc kéo theo VN-Index cải thiện 0,65 điểm. Bên cạnh đó, các mã đóng cửa tăng điểm như PLX, BHN cũng kìm hãm đà giảm thị trường.
Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 238 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 4.750 tỉ đồng. Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp và tài chính, thanh khoản thị trường kém hơn đáng kể so với phiên giao dịch trước.
Khối tự doanh tập trung giao dịch E1VFVN30, tiếp tục mua ròng 94,7 tỉ đồng
Bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 94,7 tỉ đồng với khối lượng hơn 3,1 triệu đơn vị trong phiên giao dịch hôm qua.
Đáng chú ý, chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 đồng thời được khối này mua vào và bán ra nhiều nhất, giá trị tương ứng 22,06 tỉ đồng và 13,43 tỉ đồng.
Tại giao dịch cổ phiếu, bộ phận tự doanh tập trung mua cổ phiếu STB 15,43 tỉ đồng, theo sau bởi VHM (12,5 tỉ đồng), VNM (11,11 tỉ đồng) và MSN (10,65 tỉ đồng). Nhóm cổ phiếu có giá trị mua vào dưới 10 tỉ đồng có TCB, VIC, HPG, MBB và GMD.
Diễn biến trái chiều, VHM chịu áp lực bán mạnh, giá trị bán ra đạt 12,13 tỉ đồng. Cùng bị khối này bán ra hơn 10 tỉ đồng có hai cổ phiếu ngân hàng MBB (11,76 tỉ đồng) và TCB (10,04 tỉ đồng). Ngoài ra, khối tự doanh còn tạo áp lực bán lên VPB, FPT, DRC, NLG, POW, NBB.
Khối ngoại trở lại bán ròng trên HOSE nhưng giá trị mua ròng 73,9 tỉ đồng toàn thị trường
Thống kê giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên HOSE nhưng mua ròng tại HNX và UPCoM. Giá trị mua ròng toàn thị trường 73,9 tỉ đồng với khối lượng 1,45 triệu đơn vị.
Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại trở lại bán ròng 23,8 tỉ đồng nhưng mua ròng hơn 1 triệu đơn vị. Các mã bị bán ròng mạnh nhất có VNM (33 tỉ đồng), MSN (23,6 tỉ đồng), HPG (20,7 tỉ đồng), VIC (17,8 tỉ đồng), HBC (17 tỉ đồng). Ngược lại, chịu áp lực bán ròng chủ yếu là các cổ phiếu PDR (88,3 tỉ đồng), SSI (19,3 tỉ đồng), CTG (19,2 tỉ đồng), HVN (17,7 tỉ đồng), TVS (15,2 tỉ đồng).
Trong khi đó, trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 97 tỉ đồng với 838.710 đơn vị. PVI dẫn đầu chiều mua ròng (121,6 tỉ đồng), theo sau là S55 (22 triệu đồng). Mặt khác, SHS bị bán ròng mạnh nhất (8 tỉ đồng), kế đến là NTP (5,5 tỉ đồng), PVS (5,1 tỉ đồng).
Thị trường UPCoM ghi nhận giá trị mua ròng 751 triệu đồng nhưng khối lượng bán ròng 393.112 đơn vị. Dòng tiền ngoại đổ vào VTP (2,8 tỉ đồng) nhưng rút mạnh khỏi LPB (2,6 tỉ đồng).
Gia đình Chủ tịch Ống thép Việt Đức muốn mua gần 5 triệu cổ phần công ty
Thống kê đăng ký giao dịch trên HOSE và HNX phiên hôm qua, lãnh đạo và người có liên quan đăng ký mua vào VAF, VGS nhưng muốn bán ra CTC và MPT.
Về thông tin giao dịch nổi bật, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, cổ đông lớn của Ống thép Việt Đức VG PIPE (Mã: VGS), đồng thời là vợ ông Lê Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty vừa công bố đăng kí mua gần 1,7 triệu cổ phiếu VGS nhằm tỉ lệ sở hữu lên 10,75% vốn điều lệ. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 24/5 đến ngày 21/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn.
Trong cùng thời gian này, hai con của ông Hải gồm bà Lê Khánh Huyền đăng ký mua 2,22 triệu cổ phiếu VGS và ông Lê Quốc Khánh – Uỷ viên HĐQT công ty đăng ký mua 1,05 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, tỉ lệ sở hữu của hai cá nhân này tại Ống thép Việt Đức dự kiến lần lượt là 8,24% và 5,15% vốn điều lệ, đồng thời trở thành cổ đông lớn của công ty.
Như vậy, sau lần gia tăng tỉ lệ sở hữu này, ông Hải và gia đình dự kiến nắm giữ khoảng 15,5 triệu cổ phiếu VGS, tương ứng tỉ lệ 36,8% vốn điều lệ.
Nhận xét
Đăng nhận xét