Nhà đầu tư cần biết: Chứng quyền có đảm bảo (covered warrant) là gì và những điều cần lưu ý trong giao dịch?

Ngày 28/6 tới, một sản phẩm mới xuất hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam là chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant – CW) được ra mắt. Vậy sản phẩm này có đặc điểm gì đặc biệt mà nhà đầu tư cần quan tâm?
Trước khi tham gia đầu tư hay giao dịch bất kì sản phẩm tài chính nào trên thị trường, NĐT cần chuẩn bị cho bản thân những hành trang nhất định. Đơn cử như việc hiểu rõ sản phẩm mà mình hướng đến sở hữu hay giao dịch.  Sắp tới, một sản phẩm mới xuất hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam là chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant – CW) được ra mắt. Vậy sản phẩm này có đặc điểm gì mà nhà đầu tư cần quan tâm.

Chứng quyền có đảm bảo (covered warrant) là gì?

Chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm do công ty chứng khoán phát hành và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Nhà đầu tư trả phí cho CTCK để được quyền mua chứng khoán cơ sở tại một mức giá và thời điểm xác định trước.
NĐT mua CW có thể bán khi chứng quyền niêm yết trên sàn giao dịch hoặc giữ đến đáo hạn. NĐT giữ chứng quyền đến đáo hạn sẽ được nhận lãi chênh lệch bằng tiền mặt giữa giá thanh toán chứng quyền tại ngày đáo hạn và giá thực hiện của chứng quyền.
Trong đó:
Giá thanh toán chứng quyền: Trung bình giá 5 phiên giao dịch trước ngày đáo hạn của chứng khoán cơ cở.
Giá thực hiện của chứng quyền: Giá xác định trước tại thời điểm mua chứng quyền và không đổi theo thời gian.
Hiện tại, Việt Nam mới đưa chứng quyền mua kiểu châu Âu vào vận hành. Cụ thể, CW mua cung cấp cho NĐT quyền (mà không phải nghĩa vụ) mua một chứng khoán cơ sở với giá thực hiện tại một thời điểm xác định trong tương lai. Kỳ hạn CW giao động từ 3 – 24 tháng. Tỉ lệ quy đổi yêu cầu số CW tương ứng để quy đổi ra một chứng khoán cơ sở.
NĐT chỉ được phép thực hiện quyền vào ngày đáo hạn và chỉ chuyển giao tài sản bằng tiền. Như vậy, CTCK phát hành CW có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch cho NĐT vào ngày đáo hạn khi giá thị trường của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện. Trường hợp giá thị trường của cổ phiếu không vượt giá thực hiện của CW, NĐT mất tối đa số tiền mua CW ban đầu.

Có những chứng quyền với mã cổ phiếu nào trong đợt đầu ra mắt?

Trong đợt đầu ra mắt sản phẩm chứng quyền, có 7 công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ này gồm Chứng khoán BSC, VPS, SSI, HSC, KIS Việt Nam, MBS và VNDirect. Theo đó, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo được các công ty cung cấp dựa trên 6 mã cổ phiếu gồm MWG (Thế giới Di động), HPG (Hòa Phát), MBB (Ngân hàng Quân đội – MB), VNM (Vinamilk), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) và FPT (FPT).
A12
Các sản phẩm chứng quyền được 7 công ty chứng khoán cung cấp. Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Làm thế nào để giao dịch chứng quyền?

Cũng giống như chứng khoán thông thường, nhà đầu tư có thể giao dịch chứng quyền trên thị trường sơ cấp hoặc thị trường thứ cấp.
CW3
Trên thị trường sơ cấp, các công ty chứng khoán sẽ phát hành chứng quyền lần đầu ra công chúng (IPO). Do vậy, NĐT có thể mua trực tiếp từ bằng cách đăng ký số lượng mua với CTCK tại thời điểm phát hành chứng quyền.
Đối với thị trường thứ cấp, chứng quyền được niêm yết trên HOSE sau khi kết thúc IPO 7 ngày, khi đó nhà đầu tư có thể giao dịch như cổ phiếu thông thường. Thời gian thanh toán bù trừ được áp dụng theo nguyên tắc T+2, tức là nhà đầu tư có thể bán chứng quyền đã mua sau 2 ngày làm việc.
Biên độ giá trong phiên của chứng quyền phụ thuộc vào biên độ dao động giá của chứng khoán cơ sở, xác định theo công thức:
Giá trần = Giá tham chiếu Chứng quyền + (Giá trần Chứng khoán cơ sở – Giá tham chiếu Chứng khoán cơ sở)/Tỷ lệ chuyển đổi
Giá sàn = Giá tham chiếu Chứng quyền - (Giá tham chiếu Chứng khoán cơ sở - Giá sàn Chứng khoán cơ sở)/tỷ lệ chuyển đổi

Sức hút của chứng quyền đến từ đâu?

Điểm nổi bật đầu tiên, CW được biết như một sản phẩm có tính đòn bẩy cao, chi phí vốn ban đầu thấp và không rủi ro 'call margin' như chứng khoán cơ sở hay chứng khoán phái sinh.
Chẳng hạn, NĐT dự đoán giá cổ phiếu HPG sẽ tăng trong 3 tháng tới và muốn kiếm lợi nhuận từ khoản chênh lệch giá trong tương lai với hiện tại. Giả sử, công ty chứng khoán phát hành chứng quyền cổ phiếu HPG với mức giá ngày phát hành 33.600 đồng/cp và giá thực hiện 33.600 đồng/cp với tỉ lệ hoán đổi 2:1 (2 chứng quyền đổi 1 cổ phiếu). Giá của chứng quyền mua cổ phiếu HPG là 1.900 đồng/cw. Trường hợp này, điểm hòa vốn nếu tại ngày đáo hạn giá cổ phiếu HPG ở 37.400 đồng/cp (chưa tính thuế và phí giao dịch).
Với số vốn bỏ ra ban đầu 19 triệu đồng, NĐT sẽ mua được 10.000 chứng quyền mã HPG. Có hai kịch bản xảy ra với cổ phiếu HPG.
HPG
Diễn biến giá cổ phiếu HPG tại ngày đáo hạn và mức lãi lỗ nếu đứng đầu tư chứng quyền cổ phiếu này.
Tại ngày đáo hạn, cổ phiếu HPG ở mức giá 41.400 đồng/cp, NĐT sẽ đạt được mức lãi 20 triệu đồng, tương đương tỉ lệ sinh lợi 105,3%.
Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu HPG thấp hơn mức giá 33.600 đồng/cp, nhà đầu tư chịu mức lỗ tối đa là 19 triệu đồng.
Như vậy, một lợi ích của chứng quyền là hạn chế mức lỗ tối đa, chi phí đầu tư thấp hơn so với đầu tư vào cổ phiếu.

Công ty chứng khoán tổ chức tạo lập thị trường với giao dịch chứng quyền

Theo Thông tư 107/2016/TT-BTC ngày 29/06/2016 Hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm, chứng quyền được cung cấp thanh khoản bởi tổ chức tạo lập thị trường. Theo đó, thanh khoản của chứng quyền được cải thiện đáng kể do sự chủ động của tổ chức tạo lập thị trường trong việc đặt lệnh và nghĩa vụ của tổ chức tạo lập thị trường trong điều kiện chỉ có lệnh một chiều, khoảng cách giữa lệnh mua và lệnh bán quá chênh lệch…
Điển hình, công ty chứng khoán có thể tham gia đặt lệnh tạo lập thị trường khi (1) chỉ có lệnh bên mua hoặc bán chứng quyền, (2) không có lệnh bên mua và bên bán chứng quyền, (3) tỷ lệ chênh lệch giá trên thị trường vượt quá 5%.

Nhận xét