Trước thông tin phát hiện lô hàng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiễm loài rệp - đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, tỉnh Bình Thuận đã chủ động tăng cường kiểm soát, xử lý trước khi xuất sang thị trường này.
Ngày 15/7, trao đổi Báo NNVN, ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận, cho biết: Dù lô hàng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiễm loài rệp Dysmicoccus neobrevipes và Pseudococcus jackbeardsleyi - là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc không xác định của địa phương nào.
Tuy nhiên, để chủ động phòng trừ, ngăn ngừa, tránh ảnh hướng đến xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT Bình Thuận ban hành văn bản đề nghị UBND các địa phương khẩn trương chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân và các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, thu mua xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc tại địa phương, trong đó chú ý đến các loài rệp sáp gây hại.
Theo đó, 2 loài rệp này thường gây hại trên cây trồng như quýt, mãng cầu, dứa và thanh long… Trong đó, loài Dysmicoccus neobrevipes gây hại bằng cách dùng vòi chích hút chọc thủng lớp biểu bì lá, thân, cành, quả... để hút các chất dinh dưỡng.
Các vết châm của rệp làm cho mô bị thâm nâu, triệu chứng bên ngoài vỏ quả có màu vàng. Rệp phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm, thiệt hại phổ biến trong mùa khô. Còn loài Pseudococcus jackbeardsleyi, cơ thể hình oval, hơi tròn về phía sau, có màu cam nhạt đến màu hồng; cơ thể phủ đầy sáp không dày, không có những đường dọc trên lưng, bên hông có mang túi trứng.
Do đó, theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, khi phát hiện các loài rệp này, các cơ sở thu mua cần loại bỏ bằng cách rửa sạch hoặc thổi hơi. Trong sản xuất, nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý, phòng trừ rệp sáp trên các vườn thanh long.
Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận, để phòng chống 2 loài rệp sáp này, bà con cần thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư xung quanh gốc thanh long. Bên cạnh đó, tưới nước, bón phân đầy đủ nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp.
Trong quá trình tưới thanh long, nên sử dụng vòi bơm nước phun mạnh vào chỗ có nhiều rệp sáp đeo bám nhằm rửa trôi, tạo độ ẩm trên cây và giảm mật độ rệp sáp. Đồng thời thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm rệp gây hại, nhất là trong mùa khô.
Chú ý vào những bộ phận (chồi non, hoa, quả) mà rệp hay xuất hiện và gây hại. Tỉa bỏ và tiêu hủy những bộ phận của cây nhiễm rệp sáp nặng.
Ngoài ra, cần bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên trong vườn của rệp như bọ rùa, bọ mắt vàng, bọ cánh gân, kiến vàng, ong ký sinh. Trong đó, kiến vàng là loài thiên địch hữu hiệu nhất, có thể xua đuổi, ngăn cản rệp trưởng thành gây hại và đẻ trứng.
Về biện pháp hóa học, sử dụng thuốc BVTV nằm trong danh mục của Bộ NN-PTNT ban hành hàng năm để phòng trừ rệp khi có nguy cơ gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng.
Tuy nhiên bà con sử dụng phải theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt lưu ý việc phun thuốc diệt trừ rệp kịp thời, nhất là ở giai đoạn cây đang có bông, trái non, trái đang phát triển.
Được biết, Bình Thuận là thủ phủ thanh long của cả nước, với diện tích hiện lên đến gần 30.000 ha, được trồng 10 huyện, TX, TP nhưng tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, tổng sản lượng thu hoạch đạt gần 600.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 13 cơ sở chế biến, 27 hợp tác xã, 1 liên hiệp sản xuất và chế biến thanh long; gần 200 cơ sở thu mua, sơ chế.
Nhận xét
Đăng nhận xét