Bất động sản khu công nghiệp: Điểm sáng trên thị trường năm 2020

Sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong quý IV và thời gian tới. Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại, cầu tiêu dùng phục hồi. Bằng chứng là Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN (so với 45,7 điểm trong tháng 8), thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.

Xu hướng đầu tư bất động sản khu công nghiệp 2020: 
https://vietnambiz.vn/xu-huong-dau-tu-bat-dong-san-khu-cong-nghiep-sau-nam-2020-20201028144422667.htm

Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, mà bất động sản không là ngoại lệ. Thời điểm hiện tại có tới 923 doanh nghiệp bất động sản buộc phải tuyên bố giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động trong những tháng vừa qua của năm 2020. Con số nói trên được Tổng cục Thống kê đưa ra đi kèm với nhận định: Bất động sản là lĩnh vực chịu tổn thương nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.


Nhìn nhận về thị trường trong thời gian qua, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, ngay từ sau Tết, bức tranh bất động sản đã bộc lộ rõ những gam màu trầm do dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm này thì điểm sáng nổi lên chính là bất động sản khu công nghiệp.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho hay, bất động sản khu công nghiệp vẫn thu hút khách thuê, giá thuê tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Một số chuyên gia đồng tình rằng, dù đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp lại có sự bứt phá rõ nét do nhiều chủ doanh nghiệp đang dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhờ lợi thế về chi phí ở mức hấp dẫn, cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ đến từ Chính phủ cũng như việc khống chế được dịch bệnh rất hiệu quả, Việt Nam đang được đánh giá là sự lựa chọn lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài so với các quốc gia khác trong khu vực.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9/2020, trong tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, thì TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn là những địa bàn dẫn đầu cả nước về thu hút số lượng dự án mới.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu khi thu hút 719 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 3,25 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. TP Hà Nội đứng thứ hai với 409 dự án, đạt 2,92 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Một loạt tập đoàn lớn đã lên kế hoạch chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể kể đến như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn…

Còn báo cáo mới nhất của Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam) mở ra một khía cạnh khác của bất động sản khu công nghiệp, việc hạn chế di chuyển trong thời kỳ bùng phát Covid-19 đã gây khó khăn cho việc thực địa dự án và gặp gỡ trực tiếp với các chủ đầu tư khu công nghiệp. Song, nhu cầu đất công nghiệp vẫn giữ đà tăng trong quý III do Việt Nam vẫn là điểm đến thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Nhận xét