Theo thông tin từ TTXVN, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa kí gửi 2 công văn tới Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực và Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt đối với CTCP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam - chủ đầu tư dự án thủy điện Thượng Nhật trên địa bàn xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.
Chủ đầu tư thuỷ điện Thượng Nhật được cho là có hành vi tích nước trái phép, đặc biệt, trong đợt mưa lũ vừa qua, chủ đầu tư không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai của UBND tỉnh.
Trước đó, ngày 18/11, công ty đã bị lập biên bản vi phạm hành chính do không thực hiện quan trắc và vận hành không đúng qui trình vận hành hồ chứa thủy điện.
Dự án thuỷ điện Thượng Nhật có công suất 11MW với tổng nguồn vốn hơn 341 tỉ đồng. Dự án hiện chưa hoàn thiện do còn nhiều vướng mắc nên chưa được cấp phép tích nước, vận hành.
Chủ sở hữu hàng chục thuỷ điện nhỏ tại Miền Trung - Tây Nguyên
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam thành lập ngày 27/4/2007, có trụ sở tại thôn Phú Thuận, xã Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đầu tháng 1/2019, công ty đã nâng vốn điều lệ lên hơn 128 tỉ đồng. Tuy nhiên, thông tin về cơ cấu cổ đông không được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.
Tính tới hết năm 2019, công ty vẫn chưa phát sinh doanh thu, lợi nhuận và qui mô tài sản cuối năm 2019 là 352 tỉ đồng với 128 tỉ đồng vốn chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Ngọc Trung (1976) đang là Chủ tịch HĐQT của Công ty Thủy điện miền Trung. Ông Trung cũng đang là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Trung Sơn Thuỷ.
Từ ngày 19/3, ông Lê Văn Khoa (1982) giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty.
Theo tìm hiểu, ông Lê Văn Khoa còn là người đại diện pháp luật của loạt pháp nhân như: CTCP Đầu tư Thuỷ điện Đăk Piu 2 (vốn 51 tỉ đồng), CTCP Đầu tư Thuỷ điện Đăk Psi 6 (vốn 141 tỉ đồng), Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Phát Lợi (vốn 15 tỉ đồng), CTCP Đầu tư Năng lượng Đại Trường Thành Holdings (vốn 507 tỉ đồng), CTCP Đầu tư Thuỷ điện Đăk Psi Kon Tum (vốn 102 tỉ đồng), CTCP Đầu tư EVS Holdings (vốn 6,5 tỉ đồng).
Ông Nguyễn Văn Quân (1977), Thành viên HĐQT của Công ty Thuỷ điện miền Trung Việt Nam đang là người đại diện pháp luật của CTCP Thuỷ điện Đăkgrét, CTCP Tấn Phát. Trong đó, ông Quân đang là Tổng giám đốc của CTCP Tấn Phát còn ông Lê Văn Khoa là Phó Tổng giám đốc tại đây.
Đáng lưu ý, theo tìm hiểu của người viết thì ông Lê Văn Khoa từng là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (Mã: TTE) là doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
Ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Chủ tịch HĐQT của Tấn Phát từng là thành viên HĐQT của Trường Thịnh và hiện vẫn nắm 4,91% vốn tại đây. Một cá nhân khác là ông Phạm Văn Lợi, Kế toán trưởng của Tấn Phát từng giữ chức thành viên HĐQT độc lập của Trường Thịnh.
Cả ông Khoa, ông Tưởng và ông Lợi đều rút khỏi Trường Thịnh từ ngày 19/2 năm nay sau khi được đại hội đồng cổ đông thông qua tại cuộc họp bất thường.
Theo giới thiệu thì Trường Thịnh được tách ra từ Tấn Phát và đang vận hành 4 nhà máy thuỷ điện gồm Đăk Ne, Tà Vi, Đăk Pia, Đăk Bla 1.
Trên website của Tấn Phát cho biết các nhà máy thủy điện của công ty gồm: Đăk Ne (8,1 MW), Đăk Pia (2,2 MW), Đăkgrét (3,6 MW), Đăk Bla 1 (17 MW), Plei Kần (17 MW), Đăk Psi 6 (9,5 MW), Đăk Piu 1 và 2 (4,5 và 5,5 MW), Đăk Glun 2 (12,6 MW) và cả Thuỷ điện Thượng Nhật.
Ngoài thuỷ điện Thượng Nhật ở Huế, Đăk Glun 2 ở Bình Phước và Tà Vi ở Quảng Nam thì các dự án còn lại đều ở tỉnh Kon Tum.
Dự án Thuỷ điện Plei Kần ở Kon Tum thuộc sở hữu của Tấn Phát cũng vừa bị Sở Công Thương Kon Tum đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động điện lực cũng vì lí do tích nước trái phép từ tháng 9/2020 đến nay.
Dù nhận được nhiều văn bản và thừa nhận việc tích nước là sai qui định, nhưng Tấn Phát lại tiếp tục tích nước, không đưa mực nước hồ về mực nước tự nhiên, gây ngập cho các hộ dân sinh sống quanh lòng hồ.
Dự án thủy điện Plei Kần được UBND tỉnh Kon Tum chấp thuận thực hiện giữa tháng 10/2016. Dự án có tổng mức đầu tư gần 576 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 173 tỉ còn lại là vốn vay ngân hàng.
Về CTCP Tấn Phát, doanh nghiệp thành lập đầu tháng 3/2000, có trụ sở ở tỉnh Kon Tum với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất điện. Đầu tháng 3 năm nay, Tấn Phát đã tăng vốn điều lệ từ gần 359 tỉ lên 421 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Tấn Phát còn hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản với nhà máy khai thác và tuyển quặng vàng Đăk Blô chính thức đi vào hoạt động tại xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum vào cuối tháng 7/2016 với công suất chế biến dự kiến từ 6.272 – 6.691 tấn quặng nguyên khai/năm. Tổng mức đầu tư khoảng 100 tỉ đồng.
Tấn Phát từng đăng kí niêm yết trên sàn HOSE tháng 11/2010 tuy nhiên tới tháng 4/2012 doanh nghiệp xin rút khỏi công ty đại chúng.
Về hoạt động kinh doanh, theo số liệu của người viết về công ty mẹ của Tấn Phát, doanh thu liên tục lao dốc trong các năm gần đây. Lợi nhuận sau thuế ba năm gần đây chỉ vẻn vẹn vài trăm triệu.
Năm 2019, Tấn Phát đạt 147 tỉ đồng doanh thu thuần, lãi hơn 453 triệu đồng. Qui mô tài sản cuối năm 2019 là 1.216 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả là 868 tỉ đồng.
Đại gia năng lượng mới nổi Đại Trường Thành Holdings
Trong các đơn vị liên quan tới Tấn Phát thì qui mô vốn của các pháp nhân dao động trong khoảng vài chục tỉ đồng, đáng chú ý có CTCP Đầu tư Năng lượng Đại Trường Thành Holdings có qui mô vốn lên tới 507 tỉ đồng.
Khi mới thành lập hồi cuối tháng 7/2016, Đại Trường Thành Holdings chỉ có vốn chưa tới 7 tỉ đồng với hoạt động kinh doanh chính là buôn bán thực phẩm sau đó đổi sang lĩnh vực chính là sản xuất điện.
Cuối tháng 12/2019, công ty bất ngờ tăng vốn lên 384 tỉ đồng và tiếp tục tăng lên 507 tỉ đồng gần cuối tháng 4 năm nay.
Như vậy, nhiều khả năng Đại Trường Thành Holdings chính là công ty mẹ trong mô hình Holdings bao gồm các thành viên trong hệ sinh thái ngành năng lượng, bao gồm cả Tấn Phát.
Cơ cấu cổ đông sáng lập của Đại Trường Thành Holdings mới lúc thành lập gồm 3 cá nhân là ông Võ Văn Trường (68%) - cựu Giám đốc công ty, bà Võ Thị Dung (2%) có trùng địa chỉ thường trú với ông Trường và một cá nhân họ Vũ là Vũ Văn Thanh (30%). Đến cuối 2019, số cồ phần của ông Vũ Văn Thanh đã được chuyển sang cho bà Trần Thị Liên.
Thông tin thêm thì ông Võ Văn Trường còn đang sở hữu gần 77% vốn của Công ty TNHH Xây dựng Thuơng mại Du lịch Dịch vụ Bất động sản Trường Thành và 55% vốn của Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng Thanh Thịnh.
Ông Lê Văn Khoa, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam cũng đang là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Đại Trường Thành Holdings.
Từ giữa năm 2019, Đại Trường Thành Holdings bắt đầu nghiên cứu đầu tư phát triển 6 dự án điện gió với tổng công suất 1.950 MW với diện tích lên tới 110.102 ha.
Trong đó 6 công ty liên quan sẽ làm chủ đầu tư 6 dự án điện gió ở Kon Tum gồm: Tấn Phát, CTCP Đầu tư Năng lượng gió Tây Nguyên (vốn 10 tỉ đồng), CTCP Tư vấn Xây dựng Tân Phước (vốn 20 tỉ đồng), CTCP Đầu tư năng lượng sạch Kon Tum (vốn 10 tỉ đồng), CTCP Thuỷ điện Trường Giang (vốn 30 tỉ đồng) và CTCP Đầu tư Thuỷ điện Đắk Piu 2 (vốn 51 tỉ đồng, ông Lê Văn Khoa làm người đại diện pháp luật).
Gần cuối tháng 5 năm nay, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung qui hoạch 9 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 264,7MW cho 3 nhà đầu tư gồm Đăk Piu 2, Thủy điện Trường Giang, Năng lượng gió Tây Nguyên vào Qui hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035.
Về tình hình kinh doanh, từ khi thành lập, công ty mẹ Đại Trường Thành Holdings gần như chưa phát sinh doanh thu. Hai năm 2016, 2017 chỉ ghi nhận tổng hơn 500 triệu doanh thu và không phát sinh trong hai năm 2018 và 2019. Công ty ghi nhận lỗ khoảng trăm triệu đồng trong 4 năm.
Có thể thấy hệ sinh thái của các pháp nhân đều xoay quanh Đại Trường Thành Holdings, Tấn Phát và đều có sự xuất hiện của ông Lê Văn Khoa và ông Nguyễn Ngọc Tưởng.
Nhận xét
Đăng nhận xét