Cục Xuất nhập khẩu: Giá tiêu có thể tiếp tục tăng do thiếu hụt nguồn cung

 nguồn https://vietnambiz.vn/cuc-xuat-nhap-khau-gia-tieu-co-the-tiep-tuc-tang-do-thieu-hut-nguon-cung-20210323085417988.htm

Cục Xuất nhập khẩu mới đây dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu tăng do nguồn cung thiếu hụt. Theo Hiệp hội tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu năm 2021 có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 - 180 nghìn tấn.


Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 3, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước tăng rất mạnh do nhu cầu mua của doanh nghiệp tăng cao và một số nhà đầu tư cũng như các kho chuẩn bị tích trữ cho vụ mùa mới. 


Ngày 19/3, giá hạt tiêu đen trong nước tăng mạnh từ 42,1 – 44% so với ngày 27/2, lên mức 76.000 – 79.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng tăng mạnh 32% so với cuối tháng 2, lên mức 103 nghìn đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 74,6%.


 

Những ngày giữa tháng 3, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tại các nước sản xuất chính tăng do nhu cầu từ phía Trung Quốc tăng mạnh. Bên cạnh đó, người dân có tâm lý giữ hàng khiến nguồn cung hạn chế.


Tại cảng Kochi (Ấn Độ), giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 4,7% so với ngày 26/2, lên mức 5.073 USD/tấn.


Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 18/3 giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 2,8% so với ngày 26/2, lên mức 3.015 USD/ tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 7% so với ngày 26/2, lên mức 5.489 USD/tấn.


Cục Xuất nhập khẩu dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu tăng do nguồn cung thiếu hụt.


Theo Hiệp hội tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu năm 2021 có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 - 180 nghìn tấn.



 

VPA cho biết tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi số lượng vườn tiêu tiêu già chiếm phần lớn diện tích.


Tại Đắk Nông, nơi được xem là khu vực có diện tích tiêu lớn nhất cả nước cũng ghi nhận năng suất giảm 15 - 20%.


Đặc biệt tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), tỷ lệ tiêu chết không dưới 50%. Diện tích tiêu chết đã và đang dần được thay thế bởi cà phê và một số loại cây trồng khác.


Trao đổi với người viết ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: "Những năm gần đây, do giá tiêu giảm mạnh, người dân không còn vốn để đầu tư chăm sóc dẫn đến cây còi cọc.


Thêm vào đó, một số hộ chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn nên diện tích tiêu giảm sút".


Mối quan ngại lớn nhất đối với nông dân trồng tiêu ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay là chi phí lao động cao.


Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến giá thành sản xuất và ảnh hưởng đến quyết định của nông dân trong việc duy trì vườn tiêu hoặc tái đầu tư hay không.

Đọc thêm: https://vietnambiz.vn/gia-tieu-hom-nay.html


Nhận xét