Thị trường bất động sản đầu năm 2021 vừa trải qua cơn sốt quy mô lớn chưa từng có. Câu chuyện “dò đáy đoán đỉnh” lại đang được nhắc đến, song theo một số chuyên gia, cả thị trường lẫn nhà đầu tư đều cần thời gian để điều chỉnh lại.
Năm bản lề của giai đoạn phát triển mới, thị trường bất động sản chứng kiến không ít những biến động, đặc biệt là việc tăng giá mạnh trong thời gian ngắn của loại hình đất nền diễn ra cục bộ tại nhiều khu vực.
Những vướng mắc của quy định pháp luật trong phát triển bất động nhà ở và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mặc dù được tháo gỡ một phần nhưng chưa triệt để là một trong những nguyên nhân gây nên sự thiếu hụt nguồn cung cho thị trường. Kéo theo đó, giá căn hộ tại Hà Nội và TP HCM quý đầu năm vẫn ghi nhận tăng so với cuối năm 2020.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường bất động sản đang nhận được nhiều xung lực phát triển hơn năm 2020 từ sự điều chỉnh cơ cấu nhanh nhạy theo tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn khó khăn do dịch quay trở lại làm suy yếu lực cầu. Đặc biệt là tại những tỉnh thành có nhiều ca nhiễm.
Thị trường vẫn giữ nguyên trạng thái mất cân đối cung cầu, nguồn cung bất động sản nhà ở cho người có thu nhập thấp, trung bình vẫn thiếu hụt. Trong khi đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19. Vấn đề về mặt pháp lý vẫn là điểm nghẽn.
Dòng tiền lớn đổ vào thị trường
Điểm nhấn đáng chú ý nhất của thị trường bất động sản những tháng đầu năm là cơn sốt đất quy mô lớn chưa từng có. Thị trường chứng kiến một lượng lớn F0 tham gia khiến đất đai nóng hơn bao giờ hết.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, khi dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa - đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu cũng là một yếu tố.
Bên cạnh đó, giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị,... để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính.
Còn theo giới chuyên gia, một nguyên nhân khác đến từ việc lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động ngân hàng vẫn có xu hướng tiếp tục giảm cộng với tiền nhàn rỗi trong dân dẫn đến một lượng nguồn vốn được đổ vào thị trường bất động sản.
Ngoài ra, nhu cầu về chỗ ở vẫn rất cao trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Do đó, nguồn cung chưa được cải thiện nhiều mà vẫn thiếu, nhất là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội, đất nền.
Nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh. Việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và chuyển sang mua đất để giữ tiền. Nhu cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm đã khiến đất tăng giá mạnh.
Trên phương diện vĩ mô, theo một số chuyên gia kinh tế, giá hàng hóa thế giới đảo chiều cộng với lượng tiền lớn trong nền kinh tế là các yếu tố có thể kích hoạt lạm phát bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại (tốc độ lưu chuyển tiền tăng lên). Tăng trưởng cung tiền cao cũng chính là nguyên nhân gây lạm phát giá tài sản, đặc biệt là nhà đất.
Nhận xét
Đăng nhận xét